Khi bắt tay vào viết một bài báo khoa học để đăng tải trên tạp chí khoa học trong nước hoặc quốc tế, một trong những điều đầu tiên mà các tác giả cần lưu ý đó là tuân thủ theo đúng hướng dẫn về cấu trúc bài báo mà tạp chí quy định. Cấu trúc bài báo thay đổi theo các loại bài báo khoa học. Ở bài viết này sẽ đề cập đến cấu trúc cơ bản của loại bài báo phổ biến nhất- bài báo nghiên cứu (research article).
 
Cấu trúc bài báo có thể thay đổi tùy thuộc vào quy định của mỗi tạp chí, ngay cả các tạp chí trong cùng lĩnh vực. Tuy nhiên, hầu hết loại bài báo nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học đều tuân theo một cấu trúc điển hình với các phần chủ yếu sau đây:
- Tiêu đề (Title)
- Các tác giả (Authors)
- Tóm tắt (Abstract)
- Đặt vấn đề (Introduction/Background)
- Phương pháp nghiên cứu (Material and Methods/ Methods/Experimental details, Methodology)
- Kết quả nghiên cứu (Results)
- Bàn luận (Discussion)
- Kết luận, khuyến nghị (Conclusions and Recommendations)
- Lời cảm ơn (Acknowledgement)
- Tài liệu tham khảo (References)
- Phụ lục (Appendices) (nếu có)
Các mục từ “Đặt vấn đề” đến “Bàn luận” là nội dung chính của dạng bài báo nghiên cứu (Research article). Cấu trúc này được gọi là IMRAD (viết tắt là IMRD hoặc IMRaD, trong đó I (Introduction- giới thiệu), M (Methods- Phương pháp nghiên cứu), R (Results- Kết quả nghiên cứu), a (and- và), D (Discussion- Bàn luận). Tùy theo lĩnh vực và quy định của mỗi tạp chí, cấu trúc này có thể thay đổi, phần kết quả và bàn luận có thể gộp chung là một phần.
 
Tiêu đề của bài báo 
Thường thấy đầu tiên trên cơ sở dữ liệu học thuật hoặc công cụ tìm kiếm, do vậy để tiêu đề bài báo thu hút được sự quan tâm của người đọc thì tác giả cần lưu ý:
- Tiêu đề phải mô tả một cách ngắn gọn nội dung của bài báo, truyền đạt rõ ràng thông điệp chính từ nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu;
- Tiêu đề không có chữ viết tắt hoặc từ viết tắt.
 
Tóm tắt
Phần tóm tắt thường là phần đầu tiên của một bài báo, xuất hiện ngay sau tiêu đề và danh sách các tác giả. Các nhà nghiên cứu thường đọc phần tóm tắt của một bài báo trước khi quyết định có đọc toàn bộ bài báo hay không. Đây cũng là phần gây ấn tượng tốt nhất đối với các phản biện và ban biên tập tạp chí. Để có một bản tóm tắt tốt, cần đảm bảo:
- Tóm tắt phải chứa thông tin chính từ mỗi phần của bài báo theo định dạng IMRaD;
- Tóm tắt không bao gồm trích dẫn và tài liệu tham khảo.
Tác giả các bài báo cần tìm hiểu kỹ hướng dẫn của tạp chí dành cho tác giả để đảm bảo về độ dài (ví dụ tối đa 200 từ, 300 từ…) và cấu trúc của phần tóm tắt. Cẩn thận sửa lại phần tóm tắt sau khi hoàn thiện nội dung của bài báo để chắc chắn rằng nội dung tóm tắt phù hợp với nội dung trình bày trong phần nội dung của bài báo.
 
Đặt vấn đề
Đây là phần đầu tiên trong nội dung của bài báo (“I”- IMRaD: Introduction), trình bày tầm quan trọng, câu hỏi nghiên cứu (giả thuyết nghiên cứu) và mục tiêu của bài báo. Nên trình bày phần đặt vấn đề trình tự theo các ý sau:
- Giới thiệu tổng quan và bối cảnh nghiên cứu
- Đánh giá tổng quan tài liệu
- Trình bày những vẫn đề nghiên cứu cần giải quyết
- Giải thích tại sao vấn đề nghiên cứu này là quan trọng
- Câu hỏi nghiên cứu/ giả thuyết nghiên cứu 
- Mục tiêu của bài báo
Phần đặt vấn đề nên được tác giả ưu tiên viết đầu tiên để xác định trọng tâm nội dung của bài báo. Tuy nhiên, cần được chỉnh sửa và hoàn thiện lại phần đặt vấn đề sau khi viết xong bài báo và cập nhật tài liệu trong y văn đến thời điểm tác giả gửi bài vì có thể trong thời gian tác giả viết bài (thường từ 1-3 tháng) thì trong y văn vừa có thêm các bài báo mới tương tự và cần được trích dẫn ở đặt vấn đề.
 
Phương pháp nghiên cứu
Là phần thứ hai trong nội dung bài báo (“M”- IMRaD: Methods), thường trả lời chi tiết cho câu hỏi: “Bạn đã làm gì để tìm câu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu của mình?”, nói cách khác, trình bày phương pháp đã thực hiện để có kết quả nghiên cứu của bài báo này. Phần này là nền tảng của bài báo khoa học, các biên tập viên của tạp chí và các chuyên gia phản biện thường kiểm tra chặt chẽ các phương pháp nghiên cứu xem có đáng tin cậy? Do vậy, cần mô tả chi tiết, rõ ràng và chính xác trong bài báo để đảm bảo nếu người khác muốn lặp lại nghiên cứu này thì có thể theo các nội dung như bạn mô tả để thực hiện nghiên cứu.
 
Kết quả
Là phần xuất hiện sau phần phương pháp (“R” – IMRaD: Results) và trình bày các phát hiện, kết quả chính của nghiên cứu. Phần kết quả gồm: bảng số liệu, hình, biểu đồ mô tả kết quả chính của nghiên cứu (không trình bày tất cả dữ liệu thu được trong nghiên cứu ở phần này). Phần này chỉ trình bày các kết quả nghiên cứu, không giải thích bàn luận (trừ một số tạp chí cho phép viết kết quả và bàn luận chung vào 1 mục).
 
Bàn luận 
Là phần cuối cùng trong phần nội dung của bài báo nghiên cứu (“D”- IMRaD: Discussion) giải thích kết quả nghiên cứu, cụ thể: 
- Giải thích ý nghĩa các kết quả thu thập được
- Trả lời rõ ràng các câu hỏi hoặc giả thuyết nghiên cứu đã nêu ở phần đặt vấn đề
- Trình bày các hạn chế trong nghiên cứu và ảnh hưởng có thể có của chúng đối với kết quả;
- Làm rõ các kết quả nghiên cứu có liên quan như thế nào đến các kết quả nghiên cứu tương tự đã thực hiện trước đây.
- Đề xuất ý nghĩa của nghiên cứu đối với các nhà nghiên cứu, nhà thực hành chuyên môn hoặc các nhà hoạch định chính sách;
- Đề xuất các chủ đề cho nghiên cứu trong tương lai dựa trên kết quả bạn đạt được.
Một số tác giả thường e ngại với việc thừa nhận các hạn chế của nghiên cứu. Tuy nhiên, trong phần bàn luận của bài báo không chỉ cần trình bày những hạn chế mà còn nên thực hiện đánh giá về những điểm không chắc chắn trong nghiên cứu và giải thích liệu những hạn chế đó có thể ảnh hưởng đến kết luận ở mực độ nào và liệu kết luận có được hỗ trợ trong trường hợp những điểm không chắc chắn xuất hiện. Một bài báo không có sự thảo luận kỹ lưỡng về những hạn chế có khả năng nhận được phản hồi không tích cực của các chuyên gia phản biện của tạp chí.
 
Kết luận và khuyến nghị
Phần này tác giả tóm lược và khẳng định lại những kết quả nghiên cứu và những phát hiện chính để nhằm trả lời các câu hỏi đã đặt ra trong phần Đặt vấn đề. Những gì đã đặt ra trong mục tiêu cần có câu trả lời cụ thể trong kết luận, dựa trên những bằng chứng khoa học đã thể hiện trong phần kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, kết luận cần ngắn gọn, tránh đưa hết các chi tiết trong phần kết quả vào phần này. Tác giả cũng cần tránh việc bàn luận, đưa thêm những suy diễn vào phần kết luận. Cuối mục này bạn có thể đưa ra khuyến nghị và các khuyến nghị cần bám sát các kết luận vừa trình bày. Nội dung khuyến nghị cũng cần chỉ rõ là khuyến nghị dành cho ai, với những biện pháp cụ thể nào. Tránh việc đưa ra các khuyến nghị tổng quát, chung chung hay đưa ra các khuyến nghị không dựa trên kết luận cụ thể của nghiên cứu.
 
Lời cảm ơn 
Ở cuối bài báo nghiên cứu có thể bao gồm “Lời cảm ơn” những người đã tham gia tổ chức thực hiện nghiên cứu, các đối tượng tham gia vào nghiên cứu và đơn vị tài trợ nghiên cứu.
 
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
Chỉ sử dụng tài liệu cập nhật, liên quan đến chủ đề nghiên cứu và sử dụng lối trích dẫn nhất quán theo yêu cầu của mỗi tạp chí. Trích dẫn tài liệu tham khảo sử dụng phần mềm trích dẫn (ví dụ Endnote) trong khi viết có thể tốn nhiều thời gian, tuy nhiên lại tiết kiệm được thời gian và công sức về lâu dài và tránh được thất vọng khi bạn biết đã đọc được thông tin ở đâu đó nhưng không nhớ rõ. Bên cạnh đó, trích dẫn tài liệu tham khảo khi viết giúp tránh đạo văn, giảm nguy cơ nhầm lẫn các quan sát, phát hiện của cá nhân với những điều đã đọc được từ các nguồn tài liệu đã xuất bản.
 
Trên đây là cấu trúc phổ biến của dạng bài báo nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi tạp chí sẽ có những quy định về định dạng khác nhau cho bài báo. Do vậy, các tác giả cần lưu ý chuẩn bị bài báo đúng với yêu cầu của tạp chí quy định tại mục Hướng dẫn dành cho tác giả (Guides/ Instructions for Authors) hoặc hướng dẫn gửi bản thảo (Submission Guides). 
Nguồn: Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Phát triển
none