Ngày 20/6/2020, Trường Đại học Y tế công cộng đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Lai Châu tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đề tài KH&CN cấp Tỉnh Nghiên cứu thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Lã Ngọc Quang; cơ quan chủ trì: Trường Đại học Y tế công cộng. Đề tài thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2020.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu khách mời: ông Nguyễn Xuân Trường- Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng Dân số, Tổng cục Dân số; ông Mai Trung Sơn – Phó vụ trưởng, Vụ quy mô dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Tổng  cục Dân số; Ông Nguyễn Trường Sơn- Phó giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Lai Châu; ông Nguyễn Văn Bình - Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Hà Nội; ông Phạm Văn Tân - Phó Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Hà Nội.

Phía trường Đại học Y tế công cộng có PGS.TS. Lã Ngọc Quang- Phó hiệu trưởng, chủ nhiệm đề tài, các thành viên trong Ban chủ nhiệm đề tài và gần 40 thành viên là các đại biểu, thầy/cô, học viên và sinh viên quan tâm tham dự.

Với mục tiêu đánh giá thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu; tìm hiểu nguyên nhân và những hậu quả, yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết và đề xuất giải pháp can thiệp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu, sau hơn hai năm triển khai, đề tài đã có các báo cáo sơ bộ về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết cũng như các khuyến nghị về giải quyết tình trạng này trong vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, ThS Trần Thị Ngân đã báo cáo tổng quan về đề tài. Tiếp theo đó là các báo cáo kết quả sơ bộ về Thực trạng tảo hôn ở cộng đồng người dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu; thực trạng hôn nhân cận huyết ở cộng đồng người dân tộc thiểu số tỉnh Lai Châu; yếu tố ảnh hưởng đến thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Lai Châu; kiến nghị chính sách và đề xuất giải pháp phù hợp nhằm giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại Lai Châu, cụ thể:

  • Xây dựng chương trình/kế hoạch can thiệp vấn đề Tảo hôn và hôn nhân cận huyết cấp tỉnh với sự vào cuộc của các ban ngành;
  • Bố trí kinh phí thường xuyên phân bổ cho các ban ngành để có nguồn kinh phí thường trực triển khai các hoạt động của chương trình can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết;
  • Đưa nội dung can thiệp ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào nghị quyết của Đảng, hội đồng nhân dân, kế hoạch công tác hàng năm của UBND các cấp và vào hương ước làng, thôn, bản văn hóa, tiêu chuẩn gia đình văn hóa;
  • Chú trọng thay đổi nhận thức của các nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên vùng dân tộc thiểu số;
  • Tổ chức tuyên truyền với các hình thức mới, tiếp cận đông đảo đồng bào, hấp dẫn người tham gia, tổ chức trong trường học, cụm/tổ dân cư;
  • Tập trung công tác truyền thông tại các các thôn bản tập trung nhiều người dân tộc Mông;
  • Vận động sự tham gia tích cực của những người có uy tín tại thôn bản như người cao tuổi, già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, phụ nữ và thanh niên thôn trong công tác phòng chống tảo hôn;
  • Xây dựng cơ chế, thu hút nguồn lực dự án trong nước và quốc tế can thiệp phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết;
  • Giải pháp tạo công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập của người dân, đặc biệt chú trọng tới người dân tộc thiểu số tại địa phương.

TS. Nguyễn Trường Sơn- Phó giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Lai Châu chia sẻ: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang là một trong những vấn đề y tế công cộng mang tính cấp thiết tại các vùng dân tộc thiểu số, thường xảy ra ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện địa hình và kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn làm ảnh hưởng đến sức khỏe vợ chồng, con cái, suy giảm chất lượng dân số, năng suất lao động thấp và đói nghèo. Do vậy, đề tài được triển khai nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Lai Châu đặc biệt có ý nghĩa và cung cấp bằng chứng khoa học xác thực góp phần khuyến nghị các giải pháp can thiệp nhằm hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Nguồn: Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ

none