Tóm tắt: 
Nghiên cứu này được tiến hành tại 14 tỉnh của Việt Nam năm 2008 - 2009. Với thiết kế nghiên cứu cắt ngang kết hợp định lượng và định tính, nghiên cứu nhằm: 1. Xác định kiến thức, kỹ năng cần có về dự phòng và sơ cấp cứu tai nạn thương tích (TNTT) của các cán bộ nằm trong lĩnh vực phòng chống TNTT; 2. Xác định nhu cầu đào tạo trong dự phòng và sơ cấp cứu TNTT; 3. Xác định thực trạng và năng lực đào tạo trong dự phòng và sơ cấp cứu TNTT của một số trường Y dược tại Việt Nam. Tổng cộng có 275 đối tượng là các cán bộ làm trong lĩnh vực phòng chống TNTT tham gia trả lời với bộ câu hỏi bao gồm các nội dung liên quan đến kỹ năng và nhu cầu đào tạo liên quan đến phòng chống TNTT. 20 cuộc phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đã được thực hiện với các nhóm đối tượng khác nhau. Kết quả nghiên cứu cho thấy kỹ năng quản lý là nhóm kỹ năng được sử dụng nhiều nhất trong công việc hiện tại. Khoảng 50% đối tượng đã từng tham gia nghiên cứu TNTT và sơ cấp cứu TNTT. Tỷ lệ các đối tượng đã từng được đào tạo/tập huấn các nội dung về TNTT rất thấp và chủ yếu là học từ các khóa học của Đại học Y tế công cộng và Bộ Y tế mở trong thời gian gần đây. Mức độ tự tin với các công việc có liên quan đến phòng chống TNTT mà mình đang phải làm thấp. Đa số các đối tượng đề nghị có nhu cầu được đào tạo đặc biệt, đặc biệt là nhóm kỹ năng về nghiên cứu và quản lý theo hình thức đào tạo tập trung ngắn hạn (3-5 ngày). Các trường đại học y dược trong cả nước chưa có chương trình hay khóa học riêng về phòng chống TNTT trong chương trình chính khóa hoặc theo loại hình thức đào tạo liên tục với nội dung liên quan đến phòng chống TNTT trong khi các trường đều có khả năng đào tạo và nhu cầu của các địa phương là rất lớn. Kết quả nghiên cứu cho thấy cần tăng cường việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế và các ngành có liên quan đến phòng chống TNTT thông qua hệ thống đào tạo của ngành y tế. Ngoài ra cần thống nhất các kỹ năng cần thiết cần phải đào tạo cho cán bộ các cấp khác nhau. Xây dựng và tổ chức các hoạt động phối hợp giữa hệ thống các trường đại học Y trong việc triển khai xây dựng chương trình và đào tạo về phòng chống TNTT qua đó đề xuất các chương trình và nội dung đào tạo cho Bộ Y tế và các bên liên quan để chuẩn hóa thành chương trình đào tạo liên tục trên toàn quốc

Cấp quản lý:

Đơn vị chủ trì:

Lĩnh vực nghiên cứu:

Trạng thái: 
Kết thúc

Từ khóa: