Tóm tắt: 

 

Giới thiệu

Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong của trẻ em trong độ tuổi 0-19 tuổi. Việc triển khai quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy tại Việt Nam đã được đánh giá là rất cần thiết trong việc hạn chế mức độ trầm trọng của các tai nạn giao thông trẻ em, trong đó có chấn thương sọ não. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa đội mũ bảo hiểm (MBH) và vấn đề chấn thương sọ não của trẻ em trong khi đó việc trẻ em đội MBH an toàn phụ thuộc nhiều vào vai trò của cha mẹ và người chăm sóc chúng.

Mục tiêu và phương pháp

Nghiên cứu này đươc tiến hành tại 2 bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn, Hà nội với mục tiêu (i) mô tả thực trạng chấn thương sọ não của trẻ em nhập việc do tai nạn giao thông;  và (ii) tìm hiểu mối liên quan giữa việc đội MBH và chấn thương sọ não của trẻ em 0-19 tuổi nhập viện tại 2 bệnh viện Việt Đức và Xanh Pôn; Những thông tin về nạn nhân trẻ em nhập viện do tai nạn giao thông từ 0-19 tuổi được thu thập tại 2 bệnh viện trong khoảng thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 4/2010, kết hợp với số liệu thứ cấp được thu thập trong toàn bộ năm 2009

Kết quả và bàn luận

Trong tổng số 1736 trẻ em nhập viện do tai nạn giao thông từ tháng 1/2009 đến tháng 4/2010 (16 tháng). Tỷ lệ trẻ nam nhập viện chiếm đa số (70%) tuy nhiên tỷ lệ trẻ trực tiếp điều khiển xe máy hoặc ngồi sau bị tai nạn là nữ (59,5%) cao hơn ở nam. Nhóm 15-19 tuổi bị tai nạn giao thông nhập viện chiếm tỉ lệ cao nhất (khoảng 70%). Có tới 65,6% nạn nhân bị tai nạn trong lúc đang sử dụng xe máy bao gồm cả điều khiển hoặc ngồi sau. Mặc dù TNGT xảy ra ở nhóm 15-19 là cao nhất tuy nhiên nhóm này cũng có tỷ lệ đội mũ cao trên 20%, các nhóm tuổi khác tỷ lệ đội MBH chỉ có khoảng 10%. Chỉ có 26,7% các nạn nhân được chẩn đoán là chấn thương sọ não có đội MBH khi tai nạn xảy ra. Khi phân tích mức độ trầm trọng của chấn thương theo thang điểm ISS, kết quả cho thấy có trên 70% các nạn nhân được coi là bị thương tích “nhẹ” (71,1%) hoặc trung bình (2,9%), bên cạnh đó 17,8% các nạn nhân được phân loại ở mức độ nặng và khoảng 8,2% các nạn nhân ở mức độ trầm trọng, mức độ có thể bị tử vong hoặc tàn tật vĩnh viễn.

Khi phân tích mối liên quan giữa đội MBH và chấn thương, chỉ có khoảng 35% các nạn nhân là khẳng định có đội MBH khi tai nạn xảy ra, 18,8% khẳng định là không đội và có tới 46% là không có thông tin hoặc người nhà cũng không rõ có đội hay không. Các nạn nhân không đội mũ bảo hiểm có nguy cơ bị chấn thương đầu mặt cao gấp 3,2 lần so với những nạn nhân có đội mũ bảo hiểm (95%CI 2,2-4,6; p<0,001). Không đội mũ bảo hiểm có thể có nguy cơ cao gấp gần 5 lần với chấn thương sọ não (OR=4,9, 95%CI 3,3-7,2; p<0,001). Các đối tượng không đội MBH thường xuyên khi tham gia giao thông có nguy cơ bị chấn thương SN cao gấp 3,3 lần so với những đối tượng thường xuyên đội (OR=3,3; 95%CI 1,0-11,1; p<0,05). Chỉ có 31,3% số lượng đối tượng điều khiển xe máy khi bị va chạm là có bằng lái xe, bên cạnh đó 45,3% là không có. Có 57,8% cha/mẹ cho rằng họ có biết về qui định đội mũ BH mới bao gồm cả các qui định về MBH của trẻ em. Tuy nhiên khi hỏi cụ thể về nội dung của qui định mới này thì chỉ có khoảng 20% số người trả lời là có thể trả lời đúng, số còn lại chỉ biết một phần hoặc không thể trả lời được.

Kết luận và khuyến nghị

Nghiên cứu đã đưa ra những kết quả tương đối toàn diện về tình hình tai nạn giao thông của trẻ em, các yếu tố liên quan giữa đội MBH và chấn thương sọ não cũng như các yếu tố cá nhân và gia đình liên quan đến đội MBH trẻ em. Kết quả của nghiên cứu là những bằng chứng khoa học quan trọng khẳng định sự cần thiết trong nỗ lực cải thiện vấn đề tai nạn giao thông đường bộ của trẻ em, trong đó có liên quan đến việc đội MBH. Những nỗ lực này sẽ góp phần giảm thiểu các chấn thương trầm trọng, trong đó có chấn thương sọ não và hạn chế những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ do tai nạn giao thông.

Cấp quản lý:

Đơn vị chủ trì:

Lĩnh vực nghiên cứu:

Trạng thái: 
Kết thúc
Ngày bắt đầu: 
Tháng 1, 2010
Ngày kết thúc: 
Tháng 4, 2010