Tóm tắt: 

 

TÓM TẮT NGHIÊN CỨU

Đặt vấn đề

 

Lao động nông nghiệp là một trong 3 ngành sản xuất tồn tại nhiều yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe tại nơi làm việc nhất, chỉ đứng sau ngành xây dựng và hầm mỏ. Số liệu thống kê của Tổ chức y tế thế giới cho thấy, hàng năm trên toàn thế giới có khoảng từ hai đến năm triệu trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) với khoảng 40.000 trường hợp tử vong, khoảng 170.000 ca tử vong do tai nạn lao động (TNLĐ) liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Ở nhiều quốc gia, tỷ lệ tử vong do TNLĐ trong nông nghiệp cao gấp đôi so với các ngành khác.

Việt Nam là nước nông nghiệp với trên 70,0% dân số sống dựa vào chăn nuôi trồng trọt. Cả nước có khoảng gần 25 triệu lao động trong nông nghiệp tương đương với 57,0% tổng lực lượng lao động. Các nghiên cứu về thực trạng và các yếu tố nguy cơ trong TNLĐ nông nghiệp nói chung, trong trồng lúa, chè, cà phê nói riêng tại Việt nam còn rất ít được chú ý. Việc tiến hành nghiên cứu về thực trạng tai nạn thương tích (TNTT) trong LĐNN và những yếu tố nguy cơ cho người nông dân, nhằm đưa ra những khuyến nghị cho công tác phòng chống là hết sức cần thiết. Nghiên cứu này được tiến hành với các mục tiêu cụ thể như sau:

1.      Mô tả thực trạng tai nạn thương tích và một số yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích trong nông nghiệp tại một số tỉnh nông nghiệp trọng điểm.

2.      Phân tích và đánh giá thực trạng công tác phòng chống tai nạn thương tích trong lao động nông nghiệp của một số ban ngành liên quan và sự phối hợp để thực hiện công tác này.

Phương pháp

Nghiên cứu được tiến hành trong thời gian từ tháng 5/2009-12/2010 tại 4 tỉnh được chọn có chủ đích, đó là: Thái Bình và Đồng Tháp (2 tỉnh trọng điểm lúa gạo), Thái Nguyên (tỉnh trọng điểm trồng chè) và Đắc Lắc (tỉnh trọng điểm trồng cà phê).

Thiết kế nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích phối hợp định lượng kết hợp định tính được áp dụng trong nghiên cứu này. Trong đó, 6.275 hộ nông dân được phỏng vấn bằng bộ câu hỏi thiết kế sẵn, bảng kiểm về các yếu tố nguy cơ cũng được hoàn thành tại các hộ gia đình được phỏng vấn; 50 cuộc phỏng vấn sâu được tiến hành đối với các đối tượng như cán bộ phụ trách y tế lao động tuyến tỉnh, huyện và xã; cán bộ thanh tra và an toàn lao động tuyến huyện; cán bộ hội nông dân tuyến huyện và xã; chủ tịch hoặc phó chủ tịch xã; và người thân của nạn nhân tử vong hoặc tàn tật do TNTT trong LĐNN.

Phiếu thu thập thông tin định lượng được làm sạch và nhập vào máy tính. Số liệu định lượng được quản lý và phân tích bằng phần mềm Stata 9.0. Dữ liệu định tính được gỡ băng toàn bộ và được phân tích theo các mục tiêu nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

 

Thực trạng TNTT trong lao động nông nghiệp

Tỷ suất TNTT không tử vong trong LĐNN tại các tỉnh trọng điểm nông nghiệp Việt Nam là 2.447/100.000 (tỷ suất này là 2.625/100.000 với vùng trồng lúa; 3.149/100.000 ở vùng  trồng cà phê và 1.292/100.000 ở vùng trồng chè).

Vật sắc nhọn, ngộ độc, ngã, say nắng/nóng, động vật cắn/tấn công, tai nạn giao thông (TNGT) và mang vác nặng là các nguyên nhân gây TNTT cho người nông dân, trong đó vật sắc nhọn là nguyên nhân hàng đầu gây TNTT ở cả 4 tỉnh.  Các loại thương tổn mắc phải chủ yếu là trầy xước, ngộ độc, bong gân, say nắng/nóng và gãy xương. Các vị trí bị thương tổn chủ yếu là tại tay, chân và toàn thân (do ngộ độc, say nắng/nóng). Số ngày nghỉ làm trung bình của các nạn nhân là 16,3 ngày. Khoảng ¾ số người bị TNTT là thu nhập chính của gia đình và TNTT đã có ảnh hưởng lớn và vừa tới kinh tế của 70,0% gia đình nông dân.

Thực hành an toàn máy của người dân chưa cao. Có tới 46,6% các HGĐ không lắp đặt che chắn cho các bộ phận chuyển động có nguy cơ gây tai nạn, 71,9% các HGĐ không treo các chỉ dẫn an toàn khi vận hành máy. 65,7% HGĐ không được hướng dẫn về an toàn sử dụng HCBVTV. Bảo hộ lao động (BHLĐ) đủ và đúng cũng là một vấn đề tồn tại ở các tỉnh nghiên cứu: 23,4% người nông dân không được trang bị BHLĐ đủ khi phun thuốc; 28,0% trong số đó cho rằng BHLĐ làm vướng víu và cản trở các hoạt động lao động.

Công tác phòng chống TNTT

 

Nhìn chung thực trạng về nhân lực, thuốc và các trang thiết bị tại các TYT vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu về mặt kỹ năng và chuyên môn cũng như số lượng nhân viên y tế (NVYT). 

Thông tin về phòng chống TNTT đối với người dân còn hạn chế, nguồn cung cấp thông tin về phòng chống TNTT cho người dân chủ yếu là ti vi/đài; thông tin tiếp cận qua loa phát thanh xã và qua cán bộ y tế chiếm tỉ lệ thấp.

 Tỷ lệ HGĐ được tập huấn về sử dụng máy nông nghiệp còn rất thấp (25,5%). Thái Nguyên là tỉnh có tỷ lệ HGĐ được tập huấn cao nhất 47,8%, tiếp đến là Đắc Lắc (36,1%), Thái Bình (10,3%) và thấp nhất là Đồng Tháp chỉ với 7,8%.

Tỷ lệ HGĐ được tập huấn về an toàn hóa chất (ATHC) còn chưa cao tại 4 tỉnh nghiên cứu (42,6% tại Đắc Lắc; khoảng 64,0% tại Thái Nguyên và Đồng Tháp; 76,0% tại Thái Bình).

 Các hoạt động phòng chống TNTT ở địa phương dàn trải ở nhiều lĩnh vực: y tế, truyền thông, chính sách và quản lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hoạt động phòng chống TNTT ở địa phương chủ yếu là hoạt động truyền thông. Song hoạt động truyền thông cũng  chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền, cung cấp thông tin theo hình thức truyền thông. Hệ thống y tế tuyến xã chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị các trường hợp TNTT tại địa phương. Cùng với hệ thống quản lý, chính sách còn chung chung, chưa có chính sách cụ thể về phòng chống TNTT trong nông nghiệp là một nguyên nhân và đồng thời cũng là rào cản lớn cho chương trình phòng chống TNTT. Tăng cường các trang thiết bị xử trí và sơ cấp cứu ban đầu tại các tuyến y tế cơ sở.

Cấp quản lý:

Đơn vị chủ trì:

Lĩnh vực nghiên cứu:

Trạng thái: 
Kết thúc
Kinh phí đề tài: 
1 700 000 000.00
Ngày bắt đầu: 
Tháng 1, 2009
Ngày kết thúc: 
Tháng 1, 2011