Tóm tắt: 

Tại đồng bằng sông Hồng hiện nay có khoảng hơn 5 triệu người đang sử dụng nước ăn từ nước giếng khoan. Đây là nguồn nước dễ bị nhiễm asen. Trong số các tỉnh được phát hiện ô nhiễm asen thì Hà Nam có mức độ ô nhiễm asen rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được xác định là điểm nóng về ô nhiễm asen trong nước ngầm trên địa bàn tỉnh. Giếng khoan là nguồn nước chính dùng cho sinh hoạt và ăn uống của người dân trong xã. Phần lớn các hộ gia đình (HGĐ) đều tiến hành lọc nước trước khi dùng nhưng việc lọc nước này có đảm bảo hay không, người dân có nguy cơ sức khỏe như thế nào do phơi nhiễm asen trong nước giếng khoan dùng cho ăn uống là những câu hỏi được đặt ra.

            Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp đánh giá nguy cơ sức khỏe môi trường nhằm mô tả các đặc tính của asen, thực trạng ô nhiễm asen trong nước giếng khoan dùng cho ăn uống, đánh giá mức độ phơi nhiễm với asen và mô tả nguy cơ sức khỏe của người dân xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam năm 2011. Nghiên cứu đánh giá phơi nhiễm trên 150 HGĐ sử dụng nước giếng khoan cho ăn uống, hàm lượng asen trong mẫu nước giếng khoan trước lọc và sau lọc được xác định. Số liệu được thu thập thông qua phỏng vấn HGĐ, xác định thời gian sử dụng nước giếng khoan cho mục đích ăn uống. Nguy cơ sức khỏe của người dân được đánh giá thông qua việc so sánh hàm lượng asen trong nước dùng cho ăn uống với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt QCVN02 - 2009/BYT, đồng thời qua việc so sánh liều nhiễm theo ngày với mức tiêu thụ hàng ngày chịu đựng được của cơ thể (TDI - Tolerable Daily Intake) do Tổ chức Y tế thế giới công bố. Nghiên cứu còn tiến hành xét nghiệm mẫu tóc của người dân qua đó thiết lập mối tương quan với hàm lượng asen trong nước sử dụng. Nguy cơ ung thư của người dân sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm asen cho mục đích ăn uống được ước tính thông qua chỉ số Cancer Slope Factor - CFS.

            Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các mẫu nước giếng khoan sử dụng cho ăn uống tại xã Chuyên Ngoại đều bị ô nhiễm asen (98,7% mẫu trước lọc và 80,4% mẫu sau lọc). Đa số các HGĐ tự thiết kế bể lọc nước giếng khoan nhưng các bể lọc này phần lớn không đạt tiêu chuẩn khử asen về bề dày lớp lọc (95,3%), thời gian thay/ rửa lớp lọc (66,9%) và không có giàn mưa (90,5%). Các HGĐ dùng nước giếng khoan cho ăn uống nhiều hơn vào các tháng 1, 2, 11, 12 khi lượng nước mưa không đủ dùng. Có 24 mẫu tóc (16%) có hàm lượng cao hơn giới hạn sinh lý của người bình thường khỏe mạnh. Trong số đó có 6 mẫu tóc (4%) cho kết quả cao hơn 0,8 mg/kg, đạt tiêu chuẩn chẩn đoán nhiễm độc asen mạn tính. Hàm lượng asen trong tóc có mối tương quan thuận và yếu với hàm lượng asen trong nước giếng khoan sau lọc. Nguy cơ ung thư trung bình của người trưởng thành tại xã Chuyên Ngoại do sử dụng nước giếng khoan sau lọc có chứa asen để ăn uống là 23,5 x 10-5. Nguy cơ này sẽ tăng lên 1,2 lần sau 5 năm, tăng 1,5 lần sau 10 năm. Nguy cơ ung thư trung bình nếu sử dụng nước giếng khoan trong cả cuộc đời là 204,1 x 10-5. Nếu sử dụng nước giếng khoan không qua lọc thì nguy cơ ung thư sẽ cao gấp 11,3 lần. Phần lớn liều ước lượng asen đưa vào cơ thể trong 1 ngày với người trưởng thành nhỏ hơn mức TDI của WHO (1 µg/kg-ngày) (60,1%).

            Nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị về thay thế, điều chỉnh hệ thống lọc nước giếng khoan dùng cho ăn uống của người dân tại địa bàn nghiên cứu, xa hơn là thay thế nguồn nước có hàm lượng asen vượt quá mức cho phép bằng nguồn nước khác. Những người dân có hàm lượng asen trong tóc cao cũng được tư vấn để khám sức khỏe, phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Cấp quản lý:

Đơn vị chủ trì:

Lĩnh vực nghiên cứu:

Trạng thái: 
Kết thúc
Ngày bắt đầu: 
Tháng 1, 2011
Ngày kết thúc: 
Tháng 9, 2011