Ngày 16/11/2022, Trường Đại học Y tế công cộng (ĐHYTCC) phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học về Thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam. Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án "Hỗ trợ kỹ thuật cho chính sách liên quan đến Ghế ngồi ô tô cho trẻ em tại Việt Nam" do Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (Global Road Safety Partnership-GRSP), Thụy sĩ tài trợ thực hiện từ tháng 7/2021-12/2022, Trường ĐHYTCC là đơn vị chủ trì dự án.

Tham dự và chủ trì hội thảo có PGS.TS. Lã Ngọc Quang- Phó Hiệu trưởng Trường ĐHYTCC và TS. Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Việt Nam.

PGS.TS. Lã Ngọc Quang phát biểu tại Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo là hơn 40 chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ đại diện Vụ pháp chế- Bộ Khoa học và Công Nghệ, Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Tổ chức Vital Strategies, Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu, Công ty Protec Việt Nam, Hiệp hội vận tải Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Hà Nội, Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam.

 Tại hội thảo, các kết quả nghiên cứu khoa học quan trọng của dự án đã được công bố gồm:
     - Thực trạng sử dụng, sự tiếp cận, sẵn có và khả năng chi trả về thiết bị an toàn (TBAT) trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam; 
     - Vấn đề sản xuất và kinh doanh TBAT trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam; 
     - Chia sẻ dự thảo về quy định tiêu chuẩn chất lượng đối với ISOFIX, TBAT trên ô tô cho trẻ em tại Việt Nam;
     - Giới thiệu các khuyến nghị quốc tế về xây dựng chính sách liên quan đến thiết bị an toàn trên xe ô tô cho trẻ em;
     - Giới thiệu các tài liệu kỹ thuật, hoạt động truyền thông về TBAT cho trẻ em trên xe ô tô tại Việt Nam.
Đặc biệt, Hội thảo đã thảo luận định hướng cho triển khai xây dựng chính sách và thực thi chính sách về TBAT trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam.

Theo số liệu khảo sát năm 2020 của UBATGTQG, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến ô tô chiếm khoảng 30% tất cả các vụ tai nạn, nếu xét đến tỷ lệ ô tô so với xe máy thì con số này đang cho thấy rằng người điều khiển ô tô đang có nguy cơ cao hơn rất nhiều, nhất là khi mức độ gia tăng về số lượng ô tô cá nhân tại Việt Nam hằng năm đạt đến trên 10%. Trong bối cảnh Luật An toàn giao thông đường bộ của Việt Nam được ban hành từ năm 2008, đến nay có một số điều khoản không còn phù hợp với tình hình giao thông hiện tại và chưa bao gồm hết các khía cạnh an toàn cho người tham gia giao thông, điều khoản về TBAT trên ô tô cho trẻ em hiện nay chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Kết quả nghiên cứu của dự án đã cung cấp thêm các bằng chứng khoa học và tham gia hỗ trợ xây dựng chính sách về TBAT trên xe ô tô cho trẻ em tại Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

 

 

none