Nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN quốc gia “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán và can thiệp sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng”

Ngày 31 tháng 12 năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Quốc gia: “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán  và can thiệp sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng”, Mã số: ĐTĐL.CN.26/16, Chủ nhiệm đề tài: GS.TS. Bùi Thị Thu Hà- Hiệu trưởng trường Đại học Y tế công cộng.

Đề tài do Trường Đại học Y tế công cộng chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Y dược – Đại học Quốc gia, Sở Y tế Hòa Bình, Sở Y tế Thái Bình thực hiện trong 3 năm từ 10/2016 đến tháng 9/2019.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS Bùi Thị Thu Hà – Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện, báo cáo các sản phẩm khoa học và tự đánh giá kết quả thực hiện đề tài.

GS.TS. Bùi Thị Thu Hà-Hiệu trưởng trường ĐH Y tế công cộng- Chủ nhiệm đề tài  báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu

Hội đồng đã trao đổi, nêu câu hỏi với Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu; đồng thời họp riêng với Tổ chuyên gia thẩm định các sản phẩm của đề tài.

GS.TS. Nguyễn Công Khẩn- chủ tịch Hội đồng, phát biểu chủ trì cuộc họp

GS. TS Nguyễn Công Khẩn- Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu thay mặt cho Hội đồng đã đánh giá cao sự nỗ lực của nhóm nghiên cứu và khẳng định Đề tài là một công trình khoa học công phu, nghiêm túc, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. Các sản phẩm chính của đề tài gồm: của Đề tài đảm bảo và vượt về số lượng, khối lượng và chất lượng, cụ thể:

  • Đặc điểm dịch tễ học rối loạn tự kỷ ở trẻ em tại cộng đồng
  • Quy trình chuẩn đoán sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em
  • Quy trình can thiệp sớm rối loạn tự kỷ ở trẻ em
  • Mô hình quản lý rối loạn tử kỷ ở trẻ em tại cộng đồng

Tất cả các sản phẩm đều đạt về chủng loại, sản phẩm; đạt và vượt về số lượng, khối lượng và chất lượng so với đặt hàng, đạt giá trị khoa học và ứng dụng cao trong cộng đồng.

Đề tài còn góp phần đào tạo 2 tiến sỹ và 2 thạc sỹ (vượt chỉ tiêu 01 tiến sỹ) kết quả nghiên cứu đề tài còn được công bố thông qua 01 bài báo quốc tế và 07 bài báo trên cá tạp chí Y dược uy tín trong nước (vượt chỉ tiêu 02 bài báo trong nước); Quy trình chẩn đoán sớm và can thiệp sớm của đề tài được chuyển giao ứng dụng tại Bệnh viện Nhi Thái Bình và Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Bên cạnh đó, từ kết quả của đề tài,  Trường Đại học Y tế công cộng đã xây dựng Đơn vị Hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt thuộc Phòng khám đa khoa của nhà trường. Đơn vị đã áp dụng Quy trình chẩn đoán sớm, Quy trình can thiệp sớm, và các tài liệu truyền thông vào công tác sàng lọc, khám và điều trị, can thiệp cho các trẻ tự kỷ và các trẻ cần hỗ trợ đặc biệt.

Sau khi đánh giá các mặt thành công và hạn chế của đề tài, Hội đồng nghiệm thu tiến hành bỏ phiếu. Kết quả đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc. 

Nguồn: Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ

none