Ngày 21/9, tại trường Đại học Nha Trang, TP Nha Trang (Khánh Hòa), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo “Xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục đại học”, hơn 100 đại diện các cơ sở giáo dục trên cả nước tham dự.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường -Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: ở nước ta hiện nay có rất nhiều giảng viên trẻ thành công trong nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu của các giảng viên trẻ được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, được công nhận bằng sáng chế, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất để tạo ra hàng hóa phục vụ đời sống, xã hội.

Hội thảo tập trung trao đổi về thành tựu cũng như những thách thức khó khăn của giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học, đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học mới, phù hợp với thực tiễn, có thể áp dụng được tại các trường đại học, tạo mọi điều kiện cho giảng viên trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

TS. Trần Thị Tuyết Hạnh- Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Y tế công cộng tham dự Hội thảo và chia sẻ về một số hoạt động mà Nhà trường đã áp dụng nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu cho các giảng viên trẻ, cụ thể:

  • Tổ chức Hội thảo, Hội nghị khoa học tuổi trẻ để tạo sân chơi cho giảng viên trong đó điển hình là Hội nghị Khoa học Tuổi trẻ các trường Y Dược bằng tiếng Anh (Nhà trường là đơn vị sáng lập Hội nghị này và tổ chức lần đầu vào năm 2017).
  • Thường xuyên tổ chức các khoá tập huấn để nâng cao phương pháp nghiên cứu khoa học và xuất bản quốc tế cho các cán bộ trẻ như: Phân tích đa tầng, Phương pháp viết và xuất bản bài báo quốc tế...
  • Tổ chức các Hội thảo khoa học trẻ bằng tiếng Anh và tiếng Việt; tổ chức sinh hoạt khoa học định kỳ để chia sẻ kết quả và phương pháp nghiên cứu.
  • Hỗ trợ các giảng viên trẻ có đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng tốt tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.
  • Tạo điều kiện để các giảng viên trẻ tham gia vào viết đề cương, đấu thầu, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp với vai trò chủ nhiệm đề tài, điều phối, thư ký, thành viên nhóm nghiên cứu…
  • Khen thưởng cho giảng viên có bài báo được xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín; khen thưởng danh hiệu “Nghiên cứu viên trẻ tiêu biểu” dành cho giảng viên trẻ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc trong năm học, có nhiều xuất bản quốc tế.

            Đồng thời, TS Tuyết Hạnh cũng trình bày một số giải pháp mà Nhà trường dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của giảng viên trẻ:

  • Đưa chỉ tiêu xuất bản quốc tế vào thành một chỉ số quản lý chất lượng nội bộ đối với lĩnh vực Quản lý khoa học và công nghệ của nhà trường và có cơ chế phù hợp để thúc đẩy năng lực xuất bản quốc tế dành cho giảng viên.
  • Tổ chức các sân chơi nghiên cứu, các cuộc thi nghiên cứu khoa học phù hợp với các lĩnh vực, các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu và quản lý nghiên cứu khoa học cho giảng viên trẻ để có cơ hội học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu.
  • Thành lập và phát triển các nhóm nghiên cứu viên theo mô hình chuyển giao, trưởng nhóm và các thành viên là giảng viên trẻ, có cán bộ nhiều kinh nghiệm là người hướng dẫn, tư vấn về phương pháp cũng như kỹ thuật.
  • Mở nhiều hơn các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng và trao cơ hội đấu thầu đề tài, dự án cũng như nâng cao năng lực xuất bản quốc tế cho các giảng viên trẻ.
  • Xây dựng kế hoạch khen thưởng xuất bản quốc tế với mức thưởng xứng đáng dành cho các giảng viên trẻ có thành tích nghiên cứu khoa học nổi bật. Mức thưởng bài báo xuất bản trên các tạp chí quốc tế dựa trên impact factor.

            Các ý kiến đóng góp và kinh nghiệm của đại diện trường Đại học Y tế công cộng đã được chủ toạ và các đại biểu tham dự đón nhận và được Ban tổ chức Hội thảo ghi nhận, tổng hợp để đề xuất với Bộ GD&ĐT một số nội dung trong việc xây dựng cơ chế chính sách nghiên cứu khoa học dành cho giảng viên trẻ trong các cơ sở giáo dục Đại học.

 

Nguồn: Phòng Quản lý khoa học và Công nghệ

none