Tóm tắt: 

 “Thuốc thiết yếu là những thuốc cần cho chăm sóc sức khỏe của toàn dân, được đảm bảo bằng chính sách thuốc quốc gia gắn liền nghiên cứu, sản xuất, phân phối thuốc với nhu cầu thực tế chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉ cần 1 USD thuốc thiết yếu có thể đảm bảo chữa khỏi 80% các chứng bệnh thông thường của người dân ở cộng đồng”.

“Danh mục thuốc thiết yếu là danh mục các loại thuốc thỏa mãn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của đa số nhân dân, luôn có sẵn bất cứ lúc nào với số lượng cần thiết, dạng bào chế thích hợp và giá cả hợp lý”. Chương trình Thuốc thiết yếu của WHO được thành lập năm 1972. Tới năm 1975, WHO ban hành danh mục Thuốc thiết yếu lần thứ nhất và 2 năm sau (1077) đã xem xét lại để đưa ra danh mục lần thứ 2 gồm 200 loại thuốc. Kể từ đó, cứ 2 tới 3 năm một lần, các danh mục Thuốc thiết yếu mẫu lại được điều chỉnh để phù hợp với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cập nhật thuốc mới, loại bỏ thuốc không thích hợp. Hiện nay trên thế giới có hơn 150 nước đã áp dụng và có danh mục thuốc thiết yếu (chủ yếu là các nước đang  phát triển). Số lượng tên thuốc trong danh mục thuốc thiết yếu của mỗi nước trung bình khoảng 300 thuốc.

Với giá cả hợp lý và tính sẵn có giúp người dân có thể tiếp cận được thuốc mọi lúc mọi nơi khi cần; có thể nói thuốc thiết yếu có vai trò hết sức quan trọng đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân – chiến lược y tế hàng đầu của đại đa số các quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 46/NQ – TW ban hành ngày 28/5/2005 của Bộ Chính Trị đã chỉ rõ: bên cạnh những thành tựu quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bảo vệ nhân dân vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém, trong đó bao gồm năng lực sản xuất, cung ứng thuốc còn yếu, giá thuốc chữa bệnh còn cao so với thu nhập của người dân. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng suy giảm, lạm phát tăng cao, đời sống người dân gặp khó khăn. Ngược lại, diễn biến phức tạp của thời tiết, sự gia tăng của các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường, hen, … lại thúc đẩy nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân.

Báo cáo của UN ngày 4 tháng 9 năm 2008 dựa trên nghiên cứu thực hiện tại 30 quốc gia đã chỉ ra rằng trung bình, tính sẵn có của thuốc là xa so với mức tối ưu: 34.9% tại khu vực công và 63.2% tại khu vực tư. Giá bán lẻ của thuốc cùng chung loại giá thấp nhất vượt trên mức 6 lần so với mức giá tham chiếu quốc tế (IRPs) tại khu vực tư, và khoảng 2.5 lần tại khu vực công nơi bệnh nhân trả tiền thuốc. Giá của các thuốc thương hiệu lớn còn cao hơn. Vì vậy, việc tiếp cận với thuốc thiết yếu đang gặp trở ngại bởi tính sẵn có thấp, đặc biệt trong khu vực công. Phương pháp trị liệu vượt ra ngoài phạm vi chi trả của hàng triệu người trên toàn thế giới. Ví dụ như tại Indonesia, người dân có mức thu nhập thấp phải mất 4 ngày lương để mua sabultamol – chỉ là một ống thuốc để chữa bệnh hen suyễn. Hay tại khu vực tư nhân ở Pakistan, những người công chức nhà nước có mức lương thấp phải chi trả 6 ngày lương để có được sự cung cấp Ranitidine một tháng nhằm chữa trị ung nhọt, loét.

Tại Việt Nam, đã có một vài nghiên cứu mô tả tình hình cung ứng và sử dụng thuốc thiết yếu tại tuyến y tế cơ sở. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào mô tả, phân tích tính sẵn có của thuốc thiết yếu từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, cả khu vực y tế công và tư; khả năng tiếp cận thuốc thiết yếu của người dân, đặc biệt là các thuốc điều trị các bệnh mạn tính, khi người bệnh phải dùng thuốc trong thời gian dài, chi phí cho thuốc sẽ trở thành gánh nặng đối với người bệnh, gia đình.

Trước tính cấp bách và cần thiết của vấn đề thuốc thiết yếu, chúng tôi dự kiến tiến hành nghiên cứu đề tài: “Mô tả và phân tích tính sẵn có và khả năng chi trả của người dân đối với một số thuốc thiết yếu tại tỉnh Thanh Hóa năm 2009”, trong đó chú trọng đến các thuốc điều trị các bệnh mạn tính. Kết quả thu được từ nghiên cứu sẽ cung cấp thông tin cho các nhà quản lý làm cơ sở điều chỉnh các chính sách liên qua đến thuốc thiết yếu, nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thuốc của người dân, góp phần thực hiện tốt “Chính sách quốc gia về thuốc của Việt Nam”.

Cấp quản lý:

Đơn vị chủ trì:

Lĩnh vực nghiên cứu:

Trạng thái: 
Kết thúc
Kinh phí đề tài: 
180 000 000.00
Ngày bắt đầu: 
Tháng 1, 2009
Ngày kết thúc: 
Tháng 12, 2009